Đền - Chùa Cát Bi

Chùa Cát Bi (tên chữ Quang Minh tự) là ngôi chùa cổ của làng Cát Bi xưa, được xây dựng vào năm 1838 triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn, từng trải qua một số phận long đong. Chùa Cát Bi thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 15 km về phía đông nam. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và biến cố thiên nhiên, chùa đã 3 lần phải di chuyển địa điểm và xây dựng lại để bây giờ tọa lạc tại vị trí hiện nay, tại giao điểm 2 con đường Tràng Cát và Cát Linh thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Tại đây còn có ngôi đình nằm góc đường bên kia, đối diện với chùa – là Di tích lịch sử kháng chiến được thành phố công nhận năm 2011.


Ngày nay, nói đến Cát Bi là người ta chỉ nghĩ đến phường Cát Bi, quận Hải An – một đơn vị hành chính trước thuộc huyện Hải An, sau thuộc quận Ngô Quyền, nay thuộc quận Hải An, nhưng theo các cụ cao niên ở đây, Cát Bi xưa là một vùng đất rộng lớn trải dài từ chân Cầu Rào xuống tận bãi biển Tràng Cát hiện nay .

Các bô lão kể lại: làng Cát Bi hình thành từ đầu thế kỷ XVIII (khoảng 1802), có 12 dòng họ. Người dân tứ xứ đến định cư nơi đầu sóng ngọn gió, nơi đất bồi sông, biển để xây dựng làng mạc và canh tác, đánh bắt thủy sản. Chùa làng Cát Bi được xây dựng vào cuối triều vua Minh Mạng với quy mô rộng lớn, khang trang, nhiều đồ tế khí quý như tòa Cửu Long sơ sinh và Đức Phật đản sinh bằng đồng đen (đã bị chìm mất trong trận lũ lớn năm 1955), hệ thống tượng gỗ, hoành phi, câu đối trạm trổ tinh vi.

Chùa dựng trên một cánh đồng mà dân làng quen gọi là cánh đồng trên (nay là sân bay Cát Bi), cách  làng 400 – 500m, trên một khu đất thoáng đãng, yên tĩnh. Chùa được định hướng Đông Nam, xây dựng theo kiến trúc truyền thống, hình chữ đinh (J) với 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung.


Các mảng trang trí trên gỗ được các nghệ nhân có đôi bàn tay khéo léo chạm trổ, thể hiện sinh động trên gỗ lim với đường nét hoa văn mềm mại, sống động. Đó là những loài hoa tứ quý, những cây tre, cành trúc mà gốc và thân là những con Rồng đang uốn lượn trên xà ngang, xà dọc. Trên các câu đầu đều chạm đục những con dơi đang xòe cánh bay hay con ly, con phượng đang nhảy nhót trên cành tre, cành trúc. Mái tiền đường và hậu cung được lợp bằng ngói đỏ hình vẩy cá gối nhau. Dưới mái gác hoành với cầu phong ni tô bằng gỗ lim. Trong Phật điện có đầy đủ nhang án và hệ thống tượng thờ mà các chùa miền Bắc thường có: tượng Phật, tượng Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Thập điện Diêm vương. Trong đó có tòa Cửu Long sơ sinh và tượng Đức Phật đản sinh bằng đồng đen. Ban ngoài có nhang án và các đồ tế khí như mâm đồng, bộ bát bửu bằng đồng, bát hương, cây đèn nến tiện bằng gỗ, đài nậm,…. Hậu cung gồm 2 gian. Một gian thờ Đức thánh Ông với đầy đủ các đồ tế khí, uy nghi. Gian bên kia thờ tam tòa Thánh Mẫu với các thánh cô, thánh cậu đứng hai bên rất uy nghi, tố hảo. Hướng Bắc sân chùa có ba gian nhà Tổ với cột, kèo bằng gỗ lim, phía sau nhà Tổ có các nhà kho, bếp…. Phía Tây Nam có 5 gian nhà gỗ lim nữa. 

Cổng tam quan cũng được xây dựng theo hướng chùa, trên tầng hai tam quan  treo một quả chuông đồng nặng 120kg. Từ cổng tam quan của chùa đi vào sân chùa có ba ngọn tháp cao 6 – 7m, mái tháp được tạo cong như mái chùa, các góc của tháp được kẻ chỉ, mặt tháp có câu đối được khắc chữ Hán – Nôm. Diện tích chùa khoảng 4 – 5 mẫu ruộng, trong đó khuôn viên xây dựng chiếm chừng 3 mẫu, diện tích còn lại trồng các cây lâu niên như mít, cam, chuối, na và cấy lúa, trồng rau để phục vụ nhu cầu cuộc sống của chùa. Xung quanh chùa trồng các loại cây như cây ruối, tre gai, cây sòng sọng thành một bức tường bao xung quanh vườn chùa. Trong phong trào  cách mạng năm 1928 – 1930, các ông Phạm Văn Duyệt, Cao Văn Nhiêu, Phạm Công Tiện cùng một số thanh niên yêu nước làng Cát Bi thường xuyên về chùa tuyên truyền cách mạng cho các phật tử và nhân dân vào những ngày mồng một, hôm rằm để hưởng ứng phong trào cách mạng chống cường hào gian ác làm tay sai cho thực dân Pháp do Đảng phát động. Cần nhấn mạnh, ông Phạm Văn Duyệt được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ngay từ năm 1927. Ông cùng ông Cao Văn Nhiêu, Phạm Công Tiện và Nguyễn Văn Tích là 4 trong tổng số 7 đảng viên Cộng sản đầu tiên của Chi bộ huyện Hải An năm 1930.
          Qua 3 lần thực dân Pháp đuổi làng, bắt dỡ đình, chùa (năm 1941-1942; 1946; 1951-1952) để xây dựng và mở rộng sân bay Cát Bi, đình, đền, chùa Cát Bi đã phải di chuyển địa điểm mấy lần, làm lại và thất tán nhiều hiện vật thờ tự quý (nhất là sau trận giông-lũ lịch sử năm 1955).Năm 1941 – 1942, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, chùa Quang Minh là nơi che giấu cán bộ về hoạt động trong vùng địch như các ông Đặng Đình Giai, Đặng Đình Phúc, Nguyễn Hữu Tùng (theo lời ông Đặng Văn Thoại, hiện 85 tuổi – nhân chứng người địa phương). Ông Thoại kể lại, khi còn nhỏ ông thường thấy cảnh chùa nhộn nhịp, ruộng đất rộng lớn, trồng lúa, khoai, rau, củ lấy lương thực nuôi tăng ni, phật tử và tiếp tế cho cách mạng. Những năm 1952-1954, đình-chùa Cát Bi là nơi bộ đội trinh sát ta bí mật đi-về để đột nhập sân bay, tìm hiểu cách đánh căn cứu hậu cần quan trọng này của thực dân Pháp.
          Chùa Quang Minh đã trải qua 4 thế hệ Hòa thượng trụ trì, đầu tiên là nhà sư Vũ Văn Sách, (Pháp danh Thích Giác Thanh), quê làng Động, xã Yên Hải, huyện  Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh). Năm 1905, ở tuổi 25, ông về trụ trì chùa Quang Minh làng Cát Bi. Ngày 25 tháng 3 (âm lịch) năm 1942, Hòa Thượng viên tịch, hưởng thọ 62 tuổi. Đến nay long cốt ông được đặt trong ngôi bảo tháp duy nhất ở sân chùa Quang Minh. Cố Hòa thượng kế tiếp trụ trì chùa có pháp danh là Thích Tự Thuần (hiệu Tâm Bảo), quê huyện  Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh). Ông viên tịch ngày 7 tháng 3 (ÂL), long cốt đặt tại quê nhà. Cố Hòa thượng trụ trì đời thứ ba có pháp danh Thích Thanh Giảng, hiệu Tâm Luận. Ông là người làng Trực Cát, tổng Trực Cát. Ông từng trụ trì nhiều chùa như chùa Phúc Khánh, chùa Quang Minh, chùa Thắng Phúc, chùa Lũng Bắc. Ngày 16/2 (âm lịch) Hòa Thượng viên tịch, long cốt ông nhập tháp tại chùa Lũng Bắc. Nhà sư trụ trì chùa hiện nay là Sư thầy thích Diệu Thụy.

Chùa Quang Minh hiện nay quay hướng Bắc (hướng cổng Tam quan), kiến trúc hình chữ đinh (J) gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Từ đường Tràng Cát qua cổng Tam quan cao hơn 9 m là tới sân rộng của chùa. Tại Tam quan: Hai bên cổng là 2 bức tượng hộ pháp trấn chùa bằng đá xanh đen cao hơn 2m; trên tầng 3 đặt tượng Phật Thích ca bằng đá trắng; tầng 2 treo một quả chuông đồng nặng 1.112kg đúc ngày 19 tháng 2 năm Quý tỵ 2013. Bên trái sân chùa (từ cổng vào) sừng sững ngôi nhà 3 tầng là thiền đường, trong đó: tầng 3 là phòng thờ, có 3 bức tượng đá là Quan âm thiên thủ-thiên nhãn, Quan Âm tống tử, Quan Âm tự tại; Tầng 2 làm nhà khách; Tầng 1 là nhà ở dành cho tăng ni và phòng khách. Bên lối vào phía trái cổng có tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá trắng cao hơn 5m. Tòa phật điện quay hướng đông bài trí như sau: Hàng cao nhất là 3 pho tượng Tam thế gồm: A Di Đà, Đại Thế Chí, Quan Thế Âm; Hàng thứ hai có tượng Phật Thích Ca ở giữa, hai bên là Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát; Hàng thứ ba có tượng Phật Di Lặc, Bồ Tát Chuẩn Đề, Quan Thế Âm, hàng thứ tư là tượng Phật đản sinh. Hàng thứ năm là 2 bức tượng Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn (nghìn mắt, nghìn tay). Hàng thứ sáu là tượng Thích Ca nhập niết bàn (Phật nằm) dài 2,61m và cao 85cm. Hàng dưới cùng là 4 pho tượng Dược Sư Phật. Đáng chú ý, tất cả các pho tượng trên đều được làm bằng đá xanh màu ngọc. Hàng cuối cùng là tượng thánh tổ A Nan, Địa Tạng vương và 2 vị hộ pháp.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di tích kiến trúc nghệ thuật
Địa chỉ: phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng., Hải An, Hải Phòng

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí