Núi Ngọc Mỹ Nhân nằm cách thành phố Ninh Bình khoảng 4 km, cạnh dòng sông Đáy. Núi được gọi là Ngọc Mỹ Nhân bởi nhìn từ Quốc lộ 1A (phía Nam) hoặc từ Quốc lộ 10 (phía Đông Bắc) núi có dáng giống một cô gái tóc xõa, mình trần, nằm ngửa, nhìn lên trời bao la, đầu quay về phía đông, nằm phơi mình giữa thanh thiên bạch nhật.
Núi có 3 ngọn, ngọn giữa cao, hai ngọn tả hữu chĩa ra như hai cánh chim, vì vậy còn có tên là Diên Xỉ Sơn.(“ Diên” là diều hâu, “xỉ ” là cánh chim ) - con chim diều hâu liệng.
Ngoài ra, núi Ngọc Mỹ Nhân còn được gọi là núi Cánh Diều, gắn liền với truyền thuyết vào giai đoạn nước ta bị nhà Đường đô hộ, một tướng giỏi và cũng là một pháp sư tên là Cao Biền thường cưỡi diều đi khắp nơi dò phá long mạch của nước Nam. Đến Ninh Bình thì bị một đạo sỹ cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều bị gãy cánh rơi xuống núi này, từ đó núi mang tên núi Cánh Diều.
Núi Ngọc Mỹ Nhân đẹp nhất khi chiêm ngưỡng từ vị trí thuận lợi cách xa chân núi, nhưng khi đến gần du khách có dịp tham quan, chiêm ngưỡng và làm Lễ ở đền thánh Cả và chùa Cánh Diều. Đền Thánh Cả thờ thần Thiên Tôn, vị thần gắn liền với lịch sử hình thành núi Cánh Diều và được nhân dân vùng này thờ phụng. Nếu như động Thiên Tôn là nơi thần Thiên Tôn tu luyện phép thuật thì núi Cánh Diều là nơi thần hóa và thường hiển linh giúp đỡ nhân dân.
Năm 1821, trong chuyến tuần du ra Bắc vua Minh Mạng ghé thăm núi và cho khắc dòng chữ trên vách núi ở phía Bắc, dịch là: “Dựng một nhà nhỏ nghỉ chân, khi lên núi xem thấy chùa tháp của sơn thành, cột buồm bến sông, cảnh đẹp như vẽ, cúi xuống giặt chiếc áo bụi đời”. Sau khi về Kinh đô, nhà vua đề ra chính sách khẩn hoang di dân lập ấp mới, cử Nguyễn Công Trứ ra Ninh Bình làm Doanh điền sứ, chiêu mộ dân nghèo đi khai hoang vùng ven biển. Tương truyền khi Nguyễn Công Trứ đến Ninh Bình, thấy hình người con gái đẹp hướng ra phía biển, ông liền đặt tên cho thị trấn huyện mới khai hoang Kim Sơn là Phát Diệm, tức nơi phát sinh ra cái đẹp.
Cũng giống như núi Non Nước, núi Ngọc Mỹ Nhâm nằm ven sông Đáy, ở vị trí gần giao điểm quốc lộ 1A và quốc lộ 10, là nút giao thông lớn. Chính vì lẽ đó mà hình ảnh của núi đã được các tao nhân mặc khách sử dụng rất nhiều trong thơ, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến bài “Ninh Bình đạo trung” của Cao Bá Quát:
Sông tựa dải là cô gái đẹp,
Núi như chén ốc khách làng say.
Trăng non gió mát kho vô tận,
Chỉ sợ nhà thơ mãi ở đây.
Ngoài ra trong rất nhiều bài hát về Ninh Bình, hình ảnh núi Ngọc Mỹ Nhân được khắc họa là một danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến. Núi Ngọc Mỹ Nhân sẽ được quy hoạch xây dựng thành khu du lịch sinh thái lâm viên nhằm mục tiêu biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn của thành phố Ninh Bình.