Được khởi công tại khu đất phía Tây Nam núi Dục Thúy vào ngày 24/4/1998, trong suốt hơn 20 năm qua, Đền thờ Trương Hán Siêu Ninh Bình đã và đang trở thành một điểm đến tham quan nổi tiếng.
Đền thờ Trương Hán Siêu có vị trí khá là đặc biệt, tọa lạc ở phía Tây Nam của núi Dục Thúy (tên gọi khác là Non Nước). Nằm trong di tích núi chùa Non Nước, cùng với núi Dục Thúy đã trở thành một trong những điểm đến tâm linh – văn hóa nổi tiếng ở xứ Ninh Bình. Một phần của đền dựa vào núi, phía trước là dòng sông Đáy chảy hiền hòa. Tất cả những điều ấy đã tạo nên cho ngôi đền một không cảnh đầy yên bình mà vẫn uy nghiêm. Không chỉ nằm ngay đối diện chùa Non Nước – một di tích lịch sử nổi tiếng, là địa điểm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng, Đền thờ Trương Hán Siêu còn nằm gần công viên Thúy Sơn với một vị trí tuyệt đẹp, non nước hữu tình và thơ mộng. Tất cả đều như hợp thành một không gian có ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Đến năm 1962, núi Dục Thúy và Đền thờ Trương Hán Siêu đã được nhà nước đưa vào di tích lịch sử quốc gia.
Theo sử sách kể lại, Trương Hán Siêu (không rõ năm sinh), tự là Thăng Phủ, người làng Phúc An, huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên (nay thuộc thành phố Ninh Bình). Ông là vị quan dưới 4 đời vua nhà Trần, có học vấn uyên thâm được các vua tôn như bậc thầy, một người có tính tình chính trực, bài xích dị đoan, “văn võ song toàn” cùng lòng yêu nước luôn sục sôi. Ông cũng là người cố vấn chính cho Trần Hưng Đạo và tham gia lập nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên.
Trương Hán Siêu cùng với Nguyễn Trung Ngạn là người có công lớn trong việc soạn ra bộ Hình Thư và sách Hoàng triều đại điển, đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam dần vận hành theo hướng pháp luật, kỷ cương. 18 năm sau khi mất, ông được vua Trần Nghệ Tông ban tước Thái Bảo, Thái Phó và được thờ tự ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Đến thời nhà Nguyễn, Trương Hán Siêu được thờ ở miếu Lịch Đại Đế Vương, là nơi tôn thờ các vị Đế Vương và danh tướng anh hùng. Sau đó bị chiến tranh và thời gian tàn phá, nên người dân lập Đền thờ Trương Hán Siêu tại đất Ninh Bình. Đền thờ Trương Hán Siêu là công trình văn hóa thể hiện lòng tôn kính của người dân Ninh Bình đối với danh nhân Trương Hán Siêu.
Kiến trúc Đền thờ Trương Hán Siêu được xây dựng theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian Bái Đường và 2 gian Hậu cung, hai tầng mái lợp bằng ngói, các góc có các đầu đao cong vút. Gian bái đường ở hai bên cắm bát bửu. Gian cuối cùng của hậu cung có hương án và tượng Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng với tỉ lệ 1:1. Nhìn bán diện rìa mái cuộn lên ở hai đầu như hình ảnh một chiếc thuyền rồng ngoạn mục. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt.
Mỗi dịp đầu xuân, đền thờ Trương Hán Siêu Ninh Bình lại có dịp chào đón hàng ngàn lượt khách trong ngoài tỉnh đổ về để thắp hương, tưởng niệm và cũng không quên cầu mong bình an, sức khỏe cho mình và cả gia đình. Cứ đến đầu năm mới Âm Lịch, đến thờ Trương Hán Siêu ở Ninh Bình thường vẫn hay tổ chức khai bút đầu xuân và tặng chữ cho học sinh và người dân. Đây cũng đồng thời là một nét đẹp văn hóa để khơi dậy tầm quan trọng của nghiệp bút nghiêng cũng như là tưởng nhớ về công ơn của ông Trương Hán Siêu.