Nhà thờ họ Trương được xây dựng trong 5 năm từ 2016 đến 2021. Công trình được khởi công ngày 11/6/2017 với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bí thư tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là công trình chào mừng năm Du lịch quốc gia 2021 do Ninh Bình đăng cai.
Nhà thờ họ Trương Việt Nam là công trình kiến trúc nhà thờ họ cấp quốc gia, thuộc sở hữu của Hội đồng họ Trương Việt Nam. Quần thể kiến trúc này nằm tại làng Đa Giá, trên đường Hoa Lư, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 10 km và cách Hà Nội 80 km. Nhà thờ họ Trương Việt Nam là một công trình lịch sử văn hóa lớn để tưởng nhớ các danh nhân tiêu biểu họ Trương và các bậc tiền nhân; là nơi giao lưu, họp mặt, tổ chức những sự kiện quan trọng của dòng họ và là nơi lưu giữ các di sản văn hóa, truyền đi thông điệp của dòng họ Trương cho các thế hệ tương lai.
Quần thể nhà thờ họ Trương Việt Nam nằm trên khu đất có diện tích 6.742 m2, cạnh đường Hoa Lư. Từ cổng chính Tam quan đi vào ở phía bắc lần lượt xuống phía nam và từ thấp lên cao là các công trình: hồ bán nguyệt, cổng tứ trụ, cột cờ, gác trống, gác chuông, tả vu, hữu vu, nhà thờ chính, nhà đa năng và công trình phụ trợ. Nhà thờ chính có diện tích xây dựng 450 m², Tả vu, Hữu vu đều có diện tích xây dựng 180 m², Nhà đa năng có diện tích xây dựng 150 m², Lầu chuông có diện tích xây dựng 40 m², Lầu trống có diện tích xây dựng 40 m², khu vệ sinh có diện tích xây dựng 35 m².
Nhà thờ họ Trương Việt Nam là nơi thờ những người liên quan đến họ Trương (sinh ra người họ Trương, có công hoặc gắn bó với họ Trương) tại ban thờ công đồng, trong hậu cung có tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (Trương Hữu Nhân) và các danh nhân họ Trương tiêu biểu nhất thời phong kiến ở 3 miền Việt Nam như:
Ban văn: Trương Hán Siêu (Thái phó thời Trần, người Ninh Bình), Trương Hanh (Trạng nguyên thời Trần, người Hải Dương), Trương Xán (Trạng nguyên thời Trần, người Quảng Bình), Trương Công Giai (Thượng thư thời Hậu Lê, người Hà Nam), Trương Đăng Quế (Thái sư thời Nguyễn, người Quảng Ngãi), Trương Quốc Dụng (Đông các học sĩ thời Nguyễn, người Hà Tĩnh), Trương Công Hy (Thượng thư thời Tây Sơn, người Quảng Nam).
Ban võ: Trương Hống (Tướng của Triệu Việt Vương, người Bắc Ninh), Trương Hát (Tướng của Triệu Việt Vương, người Bắc Ninh), Trương Nữu (Đại tư mã của Phùng Hưng, người Hải Phòng), Trương Ma Ni (Tăng lục võ sư thời Đinh, người Ninh Bình), Trương Chiến (Tướng nhà Lê, người Thanh Hóa), Trương Minh Giảng (Đại tướng quân thời Nguyễn, người Sài Gòn), Trương Công Định (Anh hùng thủ lĩnh chống Pháp, người Quảng Ngãi).