Làng nghề Phúc Lộc là một làng nghề truyền thống nổi tiếng chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng và mỹ nghệ bằng gỗ. Làng nghề ra đời cách đây hàng trăm năm, phát triển theo hướng cha truyền con nối và được xếp vào danh sách 50 làng nghề truyền thống tiêu biểu nhất Việt Nam.
Phúc Lộc là vùng đất đã có lịch sử từ thời Đinh – Lê. Nơi đây có một ngôi chùa thờ phật gọi là chùa Mật Tự, ở phía cuối làng gần xóm Mơ. Chùa có kiến trúc đặc sắc, đẹp và cổ kính. Ngôi đình làng Phúc Lộc thuộc xóm Trong, tuy có quy mô không lớn nhưng vững chắc, toàn bộ bằng gỗ lim đen bóng, trải bao độ phong sương. Đền làng Phúc Lộc cũng đã được xây dựng từ lâu đời để thờ Thành Hoàng làng - ông tổ của nghề Mộc.
Từ xưa, người thợ Phúc Lộc đã sáng tạo ra những sản phẩm mộc với những nét trạm trổ tinh xảo phục vụ cho việc làm nhà thờ, đền, đình, chùa.. Những năm 90 của thế kỷ trước đáp ứng nhu cầu của người dân, làng nghề Phúc Lộc đã hướng đến sản xuất ra các mặt hàng dân dụng như cửa, bàn, ghế, tủ, sập, chấn song, tay vịn cầu thang, hàng trang trí nội thất… đồng thời dần đưa hàng thủ công mỹ nghệ (hàng khảm trai) vào sản xuất.
Để phát triển làng nghề và đem lại hiệu quả kinh tế, làng đã tiến hành chuyển đổi công cụ làm mộc mang tính chuyên môn cao. Các khâu làm mộc như bào, đánh bóng, tiện, phun sơn… được thay thế bằng máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, giải phóng sức lao động. Đồng thời những máy móc mới được thay thế cũng làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn và hạn chế được những rủi ro do tai nạn lao động gây ra. Tuy nhiên, với những sản phẩm gỗ có họa tiết nhỏ, tinh tế thì không máy móc nào có thể thay thế được đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân đồ mộc mỹ nghệ Phúc Lộc.
Làng nghề Phúc Lộc được đánh giá là nơi lưu trữ và bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghề làm mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và chọn lựa.