Khu mộ cổ của dân tộc La Chí

Bản Phùng là địa chỉ nhắm đến của những người ưa thích du lịch Tây Bắc vào mùa lúa chín và mùa nước đổ. Ở đây có một thung lũng trải rộng toàn là ruộng bậc thang có cảnh quan đẹp bậc nhất và mang đậm màu sắc đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc. Ngôi làng của người La Chí bao quanh thung lũng này và họ tự hào rằng dân tộc La Chí là những người đầu tiên khám phá ra kỹ thuật làm ruộng bậc thang từ thời thủy tổ lập làng. Họ duy trì bảo lưu kỹ thuật đó đến ngày nay để xây dựng một cuộc sống ấm no nhờ biết trồng lúa nước trên núi.

Không quá nghèo đói nhờ làm chủ được vùng đất của mình, nên văn hóa tâm linh, phong tục tập quán của người La Chí cũng khác với nhiều dân tộc khác. Họ có những lễ cúng đình đám và phong tục phong phú, đám tang, lễ hội sung túc hơn hẳn những dân tộc khác ở miền núi.

Một người đàn ông trung niên quấn lại chiếc khăn màu chàm trên trán để bước vào nghi lễ tế thần, chia sẻ với chúng tôi rằng, gia đình họ có một người chết vì bệnh trọng. Họ cúng tế 1 con trâu cho người chết với ý muốn đáp lại mọi đòi hỏi, hóa giải mọi oan khuất, từ nay người chết hãy yên nghỉ. Nếu người chết mang bệnh, thì cắt đứt sự di truyền lại cho người đời sau căn bệnh đó. Sâu xa của lễ cúng để người chết khỏi lưu luyến cõi dương gian, siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Sau khi cúng tế, người La Chí thịt con trâu tế chia cho toàn bộ dân làng ăn hết ngày hôm đó, không được để tới hôm sau.

Ngày hôm sau, chiếc đầu trâu được róc hết thịt rồi “bêu” lên chiếc cọc cắm bên mộ người chết. Cùng với nắng mưa, những chiếc sọ trâu trở nên rêu mốc theo năm tháng. Hiện nay, ở Bản Phùng, xen lẫn trong làng bản là những ngôi mộ có “bêu” xương sọ trâu, bò đã cũ, cảnh tượng mang lại sự tò mò, kỳ thú, đồng thời gợi lên những ham muốn khám phá đối với du khách; nhưng đối với người La Chí đó là hình ảnh rất đỗi bình thường, thân quen.

Người La Chí ở Bản Phùng hiện có nơi thờ tự chung gọi là khu Cù Tê. Nơi này để cúng thần linh và tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó là nơi thờ tự một thủy tổ của dân tộc La Chí có tên là Hoàng Vần Thùng. Khu Cù Tê từng được tái tạo và dựng lại nhiều lần. Ban đầu nó chỉ là nhà lợp tranh, sau đắp đất và bây giờ được xây bằng gạch, lợp mái tôn, trong một khoảnh rừng gồm nhiều cây cổ thụ, chứng tỏ khu vực này vốn linh thiêng không ai xâm phạm.

Trên mái tôn của khu Cù Tê có mắc lại những chiếc sọ trâu lớn nhỏ, dấu tích của các cuộc tế lễ quy mô cộng đồng tích tụ lại. Mỗi mùa lúa chín, cúng cơm mới, họ tổ chức những cuộc tế thần linh, cảm tạ trời đất, thành hoàng cho mùa vụ bội thu. Những chiếc sọ trâu nhiều hay ít, lớn hay nhỏ đều thể hiện được mùa màng bội thu nhiều hay ít, dân bản có no ấm hay nghèo đói.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Tài nguyên Du lịch Nhân văn > Vật thể
Địa chỉ: Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang

Chưa có đánh giá nào.
Hãy là người đầu tiên chia sẻ cảm nhận!

Báo chí