Rừng tre khổng lồ

Huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) nổi tiếng bởi Rừng tre khổng lồ trên núi Ngók Cung, làng Long Riêu (thôn 5, xã Trà Nam). Làng có gần 20 hộ dân người Ca Dong sinh sống giữa núi rừng. Từ cụm dân cư này, phải mất một giờ băng rừng, lội suối mới tới rừng tre khổng lồ.

Ở lưng chừng ngọn núi, hàng chục bụi tre mọc san sát vươn ngọn thẳng đứng. Mỗi bụi khoảng 300 cây, cao hơn 25 m, đường kính 20 cm, một đốt dài 60 cm. Búp măng màu đỏ rực, không giống như màu vàng của các loài tre khác. "Người Ca Dong chỉ khai thác một vài cây, phân các khúc nhỏ lấy từng đoạn ống về chế vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Một cây tre hạ xuống có đến mấy chục ống, cả làng chỉ đốn một cây sẽ dùng đủ. Nhờ đó loài tre khổng lồ được bảo tồn", già làng Hồ Văn Thạch nói. Dân làng không biết tre có từ bao giờ, trẻ con Ca Dong lớn lên được cha mẹ chỉ lên đây để lấy tre về làm ống đựng lúa, ngô giống; ống đựng nước và làm gối ngủ. "Mỗi khi ai có việc cần đốn tre về làm đồ vật trong nhà phải xin phép với già làng. Dân làng cũng không nói với người ngoài về rừng tre vì sợ bị chặt trộm", ông Thạch nói.

Để chứng minh cho những công dụng của tre khổng lồ, già Thạch lấy một ống và cho nước vào đựng được khoảng sáu lít. Trước đây chưa có can, chai... bà con dùng ống tre đổ nước vào mang theo khi đi làm trên nương rẫy, hay lấy nước từ ngoài suối đưa về nhà sử dụng. Hàng năm chỉ dịp Tết người dân chặt một cây tre đưa về tổ chức nghi lễ cúng máng nước. Tre được chế tác thành các vật dụng trong buổi lễ cầu an lành, mùa màng bội thu. Trước đây đời sống khó khăn, để chống lại cái đói, vào mùa tre mọc măng, dân đến chặt về ăn. Hay những đợt mưa lớn kéo dài, người dân không được ra trung tâm xã để mua thức ăn thì măng là thứ cứu đói.

"Măng có đường kính 20 cm, cao gần một mét, khi làm sạch cắt nhỏ được một rổ lớn. Một củ măng cả chục hộ trong làng ăn mới hết", ông Hồ Văn Kim, một người dân trong làng Long Riêu nói. Chủ tịch huyện Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu khẳng định rừng tre ở Long Riêu rất quý hiếm, chính quyền đang xây dựng chính sách bảo tồn. Bước đầu huyện tuyên truyền người dân bảo vệ và không chặt phá.

Huyện đã có chính sách khuyến khích người dân trồng thêm để nhân rộng, bởi rừng tre hiện đang còn ít. Khi rừng tre được mở rộng thêm huyện sẽ mở đường đất vào tận làng để thu hút khách tham quan khám phá, ăn nghỉ cùng bà con, thưởng thức văn hóa vùng cao.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Rừng
Địa chỉ: núi Long Riêu 3, xã Trà Nam, Nam Trà My, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí