Du lịch Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với các công trình kiến trúc cổ hay những danh lam thắng cảnh mà còn được du khách yêu mến bởi “sở hữu” rất nhiều các làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời. Bài viết sau sẽ giới thiệu đến bạn làng đúc đồng Phước Kiều - điểm hẹn văn hóa mang tinh hoa xứ Quảng.
Làng đúc đồng Phước Kiều được mệnh danh là nơi khai sinh ra hình thể cồng chiêng và nhiều sản phẩm mang giá trị truyền thống văn hóa nổi tiếng khác. Đây là một trong những ngôi làng nghề có tuổi thọ cao nhất tại xứ Quảng.
Nhắc đến “đặc sản Hội An - Quảng Nam” thì không chỉ có các món ăn ngon, hấp dẫn mà còn là những làng nghề truyền thống với những bí kíp được gìn giữ, truyền nối qua bao đời. Cùng khám phá những điều đặc biệt, tạo nên nét thu hút khó cưỡng của làng nghề đúc đồng Phước Kiều nhé!
Cách đây hơn 400 năm, có một người tên Dương Tiền Hiền gốc Thanh Hóa di cư vào Quảng Nam khai sinh và truyền dạy nghề đúc đồng truyền thống. Ban đầu, người dân đúc binh khí, đồ gia dụng bằng đồng để phục vụ vua chúa, quân nhà Nguyễn, cũng từ đó làng chú tượng Phước Kiều ra đời. Đến cuối thế kỷ 18, quân Tây Sơn dừng chân tại xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức rèn đúc vũ khí và thành lập làng tạc tượng Đông Kiều. Năm 1832, làng chú tượng Phước Kiều và làng tạc tượng Đông Kiều được vua Minh Mạng sáp nhập, sau đó lấy tên là làng đúc đồng Phước Kiều. Cái tên này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, đem đến nhiều giá trị văn hóa to lớn cho vùng đất Quảng Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Làng đúc đồng Phước Kiều nằm dọc trên tuyến đường từ phố cổ đến thánh địa Mỹ Sơn. Nơi đây nổi tiếng với đa dạng các loại sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống như nhạc cụ, đồ phong thủy, cồng, chiêng, đồ thờ cúng…
Để cho ra đời những sản phẩm chất lượng nhất, người thợ đúc phải trải qua rất nhiều công đoạn như nhồi đất, giáp khuôn, pha chế kim loại, trổ điệu, thử tiếng… Mỗi khâu lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ năng và bí quyết gia truyền đặc biệt mà chỉ có ở làng nghề đúc đồng Phước Kiều 400 năm lịch sử.
Nhắc đến làng nghề truyền thống này, có lẽ không ai là không biết đến công trình Đại Hồng Chung đặt tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do hơn 40 nghệ nhân tài giỏi ngày đêm đúc, rèn. Chiếc chuông này có đường kính 1,3 m và nặng tới hơn 2 tấn. Đây là hợp kim đồng có kích thước lớn nhất, đậm chất hùng ca và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc của con người xứ Quảng.
Làng đúc đồng Phước Kiều đã có một thời gian gần như bị “xóa sổ” khi mà lượng khách ghé thăm thưa thớt, số lượng nghệ nhân lành nghề ngày càng ít đi. Tuy nhiên, lòng nhiệt huyết với nghề truyền thống cao quý cũng như được sự hỗ trợ nhiệt tình của tỉnh nhà, các nghệ nhân chân chính đã bắt tay vào công cuộc gìn giữ nét đẹp văn hóa, truyền lửa cho đời sau và “hồi sinh” mạnh mẽ làng nghề đúc đồng Phước Kiều như ngày nay.