Đền - Chùa Trực Cát

Chùa Trực Cát (tên nôm), tên chữ là Phúc Khánh tự, thuộc thôn Trực Cát-xã Tràng Cát-huyện An Hải xưa (nay thuộc phường Tràng Cát, quận hải An, thành phố Hải Phòng) vốn là ngôi chùa cổ nằm trong cụm Di tích Lịch sử Kháng chiến gồm đền (Cát Linh từ)chùa Trực Cát được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là Di tích lịch sử năm 2003. Khu Di tích này cách trung tâm TP khoảng 13,5km về phía Đông Nam.


Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử Quán triều Nguyễn biên soạn từng ghi: Tấn (cửa) Trực Cát thời Nguyễn đặt tại đây để canh phòng ven biển. Từ đó có thể thấy nơi này có vị trí địa lý quan trọng như thế nào đối với quốc phòng các triều vua Nguyễn.
Từ một vùng đất bãi sình, lầy lau sậy, người dân khắp nơi về khai khẩn, cải tạo, dựng nên làng xóm ngày một đông vui, trù phú. Cùng với sự phát triển đời sống vật chất là nhu cầu đời sống tâm linh. Vậy nên họ đã dựng lên những ngôi đình, chùa, đền lúc đầu đơn sơ bằng tranh, tre vách đất, lợp rơm, rạ sau nâng lên bằng gỗ, ngói, gạch đá thờ cúng những vị thánh, thần có công với làng, với nước và thờ Phật – chỗ dựa tâm linh của họ.


Trước năm 1813 thôn Trực Cát được ghi trong sổ sách địa bạ là ấp Trực Cát, tổng Tràng Cát, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Vào giữa thế kỷ 19, vua Tự Đức sắc phong cho lục tổng ở Hải An (17 xã, trong đó có Trực Cát) thờ Ngô Vương Quyền làm Thành hoàng. Sau đó, các vùng này đều xây dựng đình, đền thờ Ngô Vương. Chùa thờ Phật cũng được dân làng xây dựng vào thời kỳ này. Bia đá hiện còn lưu ở sân đền-chùa Trực Cát ghi lại, Phúc Khánh tự được xây dựng vào thời vua Thiệu Trị (1841-1847). Như vậy thì chùa Trực Cát được xây dựng trước cả thời vua Tự Đức (1847-1883)
Hiện nay chùa Trực Cát nằm trên đường Thành Tô thuộc khu dân cư Liên Khê 2, phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

 Đền và chùa Trực Cát xưa vốn nằm liền nhau trên một khu đất rộng um tùm cây cối, cách làng khoảng 800 m, nay do sự thay đổi của lịch sử đã chia thành 2 khu vực cách nhau bởi con đường mang tên Thành Tô (nhưng vẫn gần nhau). Đền Trực Cát thờ vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền-người tạo nên chiến thắng Bạch Đằng giang lẫy lừng, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc của dân tộc…, còn chùa là nơi thờ Phật, thánh-nơi sinh hoạt tâm linh-tín ngưỡng của người dân địa phương. Chiến tranh, thiên tai và sự hủy hoại có ý thức của con người đã làm mai một đi một ngôi chùa đẹp với kiến trúc và trang trí mỹ thuật cùng đồ thờ tự gía trị có từ thời vua Tự Đức nhà Nguyễn như nhang án, lư hương, rùa, hạc và pho tượng Thích Ca bằng đồng (đã mất). Qua 3 lần thực dân Pháp đuổi làng, bắt dỡ đình, chùa (năm 1941-1942; 1946; 1951-1952) để xây dựng và mở rộng sân bay Cát Bi, đình, đền, chùa Trực Cát đã phải di chuyển địa điểm mấy lần, làm lại và thất tán nhiều hiện vật thờ tự quý, giờ chỉ còn lại 3 pho tượng gỗ thờ Đức thánh Ông và quả chuông đồng nặng 70kg niên đại thời Nguyễn. Hầu hết các tượng thờ hiện nay đều được phục chế, làm mới vào nửa cuối thế kỷ 20.
          Xã Trực Cát khi đó bị di dân đi 3 nơi: tới thôn Hào Khê, Niệm Nghĩa (nay thuộc quận Lê Chân), Hòa Nghĩa (nay thuộc quận Dương Kinh). Khi đến nơi ở mới, mỗi nơi được dỡ-mang theo một công trình đến nơi ở mới, nơi thì được chia đình, nơi được đền thờ, nơi mang theo chùa.


Trước đây chùa rất rộng (đất đai sau này một phần bị sát nhập vào nông trường Thành Tô), nay chỉ còn khoảng 1,5 ha. Khi đường Thành Tô được làm, diện tích chùa bị con đường chia đôi (hiện hồ nước của chùa có bức tượng Quan Âm Nam Hải bé nhỏ trong khám gạch bờ hồ vẫn nằm bên khu vực đền thờ Ngô Vương).
  

Chùa Trực Cát hiện nay được khôi phục năm 1991 và được trùng tu, nâng cấp năm 2011 đã có những hạng mục kiến trúc, xây dựng và bài trí theo yêu cầu cơ bản của một ngôi chùa mang dáng dấp dân tộc của vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng vẫn thiếu tường bao quanh và cổng tam quan (được dự kiến xây dựng trong năm 2021).


Phúc Khánh tự giờ đây gồm Phật điện, nhà Tổ (song song với Phật điện), nhà khách liền với hội trường và nhà phụ (bếp, vệ sinh). Ở vào nơi hẻo lánh của thành phố, lại thuộc một vùng quê nghèo, trải qua nhiều lần di chuyển và chịu thiên tai lớn nên chùa chưa được khang trang như những ngôi chùa khác. Năm 2012 sư thầy Thích Bản Giáo về trụ trì chùa đã không ngừng vận động công đức, từng bước trùng tu, xây dựng thêm các hạng mục cần thiết của chùa. Hy vọng với thiện tâm của Phật tử và nhân dân xa gần, không lâu nữa chùa sẽ trở thành một công trình tín ngưỡng tố hảo nơi vùng quê tươi đẹp.

 Phật điện chùa quay hướng đông nam, có kiến trúc hình chữ “công” gồm 5 gian tiền đường, 1 gian cổ cung, 3 gian hậu cung, xây kiểu chồng diêm hai tầng, mái lợp ngói mũi hài, Phía trước đại điện có tượng Quan Âm Nam Hải cầm bình nước cam lồ nhìn ra một vụng nhỏ (nay đã bị lấp) mà xưa kia là một bến thuyền nổi tiếng trong vùng nằm trên một lạch thoát triều thông ra cửa sông Lạch Tray, thuận tiện cho việc giao lưu giữa địa hương với các khu vực Hải An, Kiến Thụy, Thủy Nguyên.

Cửa chính Phật điện mở 3 khung cửa thùng – khung khách, có lối đi phụ mở  bên nách nhà. Mặt trên xây cất theo lối trụ đấu, tường hồi, tay ngai. Vì nóc mái được kết cấu kiểu “chồng rường đốc thước”. Đôi quá giang đỡ hoành. Nóc mái lao thẳng từ gian hậu cung tới bộ khung gian tiền đường.

 Ba gian nhà Tổ nằm song song với Phật điện, lưng quay ra đường Thành Tô, trong có tượng Bồ Đề Đạt Ma và 2 vị sư tổ với dáng vẻ gầy guộc, nét mặt nhân từ.
 Phật điện bài trí các bức tượng gỗ được tạc mới theo thứ tự như sau:
 

Hậu cung nhìn từ bên ngoài vào có nhang án tiền thờ 7 vị Phật Dược Sư, bên trong hậu cung là tòa cửu long và đức Phật sơ sinh, thứ hai là đức Phật Di Lặc, thứ ba là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trên cùng thờ đức phật A Di Đà.
Hai bên hậu cung nhìn từ ngoài vào: bên phải thờ tượng bồ tát Địa Tạng vương, bên trái Bồ Tát quan âm thiên thủ, thiên nhãn.

Đền-chùa Trực Cát từ xa xưa đã là những công trình kiến trúc dân gian gắn với truyền thống anh dũng chống ngoại xâm của nhân dân ta, từng là cơ sở hoạt động cách mạng trong thời kỳ chống thực dân Pháp, còn là hậu cứ và chiến tuyến lợi hại  giúp bộ đội, dân quân du kích trinh sát, đột nhập tiêu diệt căn cứ hậu cần quan trọng của quân Pháp là sân bay Cát Bi. Thời kỳ này có một đường hầm đi từ chùa Phúc Khánh ra bến sông được cây cối rậm rạm che khuất, giúp cán bộ, bộ đội ta đi – về hoạt động. Đền Cát Linh và chùa Phúc Khánh khi đó đêm đêm là nơi hội tụ của các lực lượng biệt động ta do đồng chí Phạm Bình Sinh lãnh đạo.

 Đền-chùa Trực Cát nằm trên một khu đất cao ráo, rợp bóng cây xanh đã từng là nơi trú tạm của dân làng trong trận đại hồng thủy năm 1955, nhờ vậy mà nhiều người đã thoát chết giờ đây đang cần những tấm lòng hằng tâm, hằng sản, góp công, góp của trùng tu, xây dựng để có thể trở thành là Di tích lịch sử -văn hóa của thành phố Hải Phòng.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Di tích lịch sử kháng chiến
Địa chỉ: Tràng Cát , Hải An , Hải Phòng, Hải An, Hải Phòng

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí